Trong quá trình mang bầu, có nhiều yếu tố tác động khiến mẹ bầu thường xuyên bị mất ngủ. Tình trạng mất ngủ kéo dài nhiều ngày có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm và từ đó gây tác động xấu đến thai nhi. Vậy trong trường hợp mất ngủ, mẹ bầu có được uống thuốc mất ngủ khi mang thai không? Uống thuốc ngủ khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không? Trong bài viết dưới đây hãy cùng nhau tìm hiểu mẹ bầu nhé!
1. Hiện tượng mất ngủ khi mang thai
Mất ngủ là khi bạn cảm thấy khó đi vào giấc ngủ hay ngủ không sâu giấc hoặc cả hai trường hợp trên. Phụ nữ có thể trải qua chứng mất ngủ trong tất cả giai đoạn của thai kỳ, nhưng hiện tượng này sẽ phổ biến hơn ở trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba.
Đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ ba, thường là thời gian khó ngủ nhất đối với nhiều phụ nữ, đơn giản là vì có quá nhiều thay đổi xảy ra trong cơ thể mẹ vào thời điểm đó. Những cơn đau nhức kéo dài trong giai đoạn này có thể khiến một số phụ nữ luôn cảm thấy khó chịu và không ngủ ngon. Ngoài ra, tâm trạng lo lắng về ngày sinh sắp tới cũng khiến mẹ bầu khó ngủ hơn.
Tuy nhiên sẽ có một chút nhầm lẫn về chứng mất ngủ mà không phải ai cũng nắm rõ. Cụ thể, nếu bạn thức dậy và không cảm thấy sảng khoái thì chưa chắc là do chứng mất ngủ gây ra, mà đơn giản chỉ là cảm giác mệt mỏi do thai kỳ. Về mặt sinh lý, khi mang thai, người phụ nữ thường có xu hướng mệt mỏi hơn và có nhu cầu ngủ cao hơn. Nếu chứng mất ngủ liên tục kéo dài và trở nên tồi tệ hơn thì cách giải quyết tốt nhất là tìm gặp các bác sĩ để xin lời khuyên.
2. Những nguyên nhân khiến bà bầu mất ngủ
Theo các khảo sát trên thế giới, hầu hết các bà bầu đều bị rối loạn về giấc ngủ, trong đó hiện tượng mất ngủ chiếm 90%. Hầu hết, mất ngủ ở bà bầu xuất phát từ các nguyên nhân:
- Căng thẳng: Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu xuất hiện hormone thai kỳ (progesterone) khiến tâm trạng trở nên nhạy cảm như: dễ cáu gắt, thường xuyên lo lắng, căng thẳng ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Khó tìm tư thế ngủ thoải mái: Sự phát triển của thai nhi ngày càng lớn khiến cho người mẹ khó tìm được tư thế ngủ thoải mái mà vẫn an toàn cho trẻ, dẫn đến chứng mất ngủ.
- Thường xuyên tiểu đêm: Thời kỳ mang thai, thận phải làm việc nhiều hơn 30-50% so với người bình thường. Đồng thời, tử cung phát triển chèn ép bàng quang khiến bà bầu thường xuyên phải thức dậy đi tiểu và khó ngủ trở lại.
- Chuột rút: Chuột rút thường xuất hiện đột ngột ở đùi, bắp chân rồi chuyển hóa thành những cơn đau khi mang thai khiến cho giấc ngủ của mẹ bầu bị gián đoạn.
- Đau nhức lưng và xương khớp: Khi bụng ngày càng lớn, chân và lưng phải chịu sức nặng của cơ thể, vùng xương chậu nở ra, dẫn đến tình trạng đau lưng, đau nhức xương khớp khi mang thai dẫn đến rối loạn giấc ngủ, mất ngủ ở bà bầu
3. Vậy có nên uống thuốc ngủ khi mang thai không?
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo mẹ bầu không nên sử dụng bất cứ loại thuốc ngủ nào vì hiện tại, chưa có bất cứ nhãn hiệu nào được chứng nhận là an toàn cho phụ nữ mang thai.
Bên cạnh những tác động tiêu cực đến hệ thần kinh của mẹ bầu, uống thuốc ngủ uống khi mang thai khiến mẹ bầu bị phụ thuộc, thậm chí là gây nghiện nếu dùng lâu dài. Nguy hiểm hơn, những mẹ bầu thường xuyên uống thuốc ngủ sẽ làm giảm chỉ số IQ của trẻ. Thậm chí, trẻ sẽ bị rối loạn chuyển hóa bilirubin sau sinh, dẫn đến chứng vàng da và những tổn thương khác trên hệ thần kinh và trí não.
Ngay cả những loại thuốc mới nhất trên thị trường hiện nay cũng để lại những hậu quả tiêu cực cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên của thai kỳ.
Không chỉ các sản phẩm thuốc kháng sinh mà ngay cả các thảo dược được bán dưới dạng hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên thì mẹ bầu cũng không nên tùy ý sử dụng. Hiện tại, không có nhiều bằng chứng xác thực các biện pháp sử dụng thảo dược có thể giúp ích hay an toàn trong thai kỳ.
4. Cách hay giúp bà bầu ngủ ngon hơn
Có một vài cách giúp hỗ trợ điều trị mất ngủ, giúp ngủ ngon hơn và cũng có lợi ích sức khỏe cho cả bà bầu và thai nhi.
- Phòng ngủ rộng rãi: Phòng ngủ nên rộng rãi và thoáng mát. Không bật máy điều hòa nhiệt độ trong thời gian dài. Thay vào đó, hãy sử dụng quạt điện để làm cho căn phòng thoáng hơn, vì bào thai phát triển tốt hơn trong không khí trong lành.
- Mặc quần áo ngủ thoải mái: Bà bầu nên mặc quần áo ngủ rộng rãi, làm từ cotton để thấm hút mồ hôi tốt hơn. Quần áo bó sát có thể khiến bạn khó chịu, dẫn đến khó ngủ hoặc tỉnh giấc vào ban đêm.
- Tắm trước khi ngủ: Bạn nên tắm với nước ấm từ 35 – 38 độ C hoặc ngâm chân trong nước ấm trước khi đi ngủ, vì nó sẽ giúp giảm căng thẳng, thư giãn cơ và giúp ngủ ngon hơn.
- Tránh uống rượu: Rượu gây kích thích thần kinh, khiến bạn không thể ngủ ngon. Hơn nữa, giống như bất kỳ chất lỏng nào khác, uống quá nhiều rượu sẽ làm đầy bàng quang, khiến bạn phải thức dậy trong đêm để đi tiểu, điều này sẽ gây mất ngủ.
- Tránh tập luyện cường độ cao trước khi ngủ: Tập thể dục cường độ cao trong khi mang thai có thể khiến bạn bị mệt. Bạn chỉ nên đi dạo để thư giãn gân cốt.
- Uống sữa trước khi ngủ: Uống 1 ly sữa ấm trước khi đi ngủ 30 phút sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn, lại cung cấp dưỡng chất tốt cho cả mẹ và con.
- Tâm trạng thoải mái: Phụ nữ mang thai không nên sợ hãi hoặc quá lo lắng vì điều gì đó, bởi chúng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến giác ngủ.
- Massage nhẹ nhàng: Massage nhẹ nhàng giúp làm giảm căng cơ bắp, giảm căng thẳng, khiến bạn dễ ngủ hơn.
- Nghĩ hay mơ về những điều tuyệt vời: Trước khi ngủ, nghĩ về những điều tuyệt vời sẽ giúp phụ nữ mang thai ngủ ngon hơn.
- Vị trí ngủ thoải mái: Một số bác sỹ nói rằng nằm nghiêng một bên khi ngủ sẽ giúp giảm áp lực lên thai nhi cũng như người mẹ. Tuy nhiên, bạn có thể tùy ý chọn một tư thế ngủ thoải mái nhất.
5. Nếu tình trạng mất ngủ vẫn không cải thiện được
Đôi khi, chính việc thiếu ngủ khiến bạn cảm thấy chán nản và chúng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của bạn thì cách tốt nhất là đến gặp các bác sĩ để nhận sự giúp đỡ cần thiết nhất. Các bác sĩ có thể thảo luận về lợi ích và rủi ro của việc uống thuốc ngủ theo quy định. Nhưng, ngay cả dưới sự giám sát, các loại thuốc ngủ vẫn có thể có tác dụng phụ như nhẹ cân và sinh non, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho em bé của bạn.
Hoặc trong trường hợp bạn đã sử dụng bất kỳ loại thuốc ngủ hoặc hỗ trợ giấc ngủ kể từ khi bạn mang thai thì hãy nói ngay với bác sĩ. Tùy thuộc vào loại thuốc bạn đã dùng và liều lượng sử dụng thì các bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra, theo dõi và chăm sóc đặc biệt quá trình mang thai cũng như xác nhận tình trạng sức khỏe của em bé có bị ảnh hưởng hay không.
Thay vì tự ý sử dụng thuốc ngủ có thể gây nguy hại cho chính bản thân và em bé thì điều các mẹ bầu cần làm hơn đó là cố gắng điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống cùng nghỉ ngơi để cải thiện tình trạng giấc ngủ tốt hơn.