Chị em lần đầu mang thai chắc hẳn khi gần đến ngày sinh sẽ rất hồi hộp và lo lắng. Khi nào thì cơn gò chuyển dạ bắt đầu và có cảm giác như thế nào chắc hẳn là câu hỏi mà nhiều mẹ bầu đặt ra. Thế nhưng làm sao để biết được đâu là cơn gò thật báo hiệu em bé sắp chào đời?
1. Cơn gò chuyển dạ là thế nào?
Cơn gò chuyển dạ được phân thành 2 loại đó là cơn gò chuyển dạ đủ tháng thường diễn ra sau 37 tuần và cơn gò chuyển dạ sinh non thường từ tuần 22 đến tuần thứ 37 trong thai kỳ.
Khi cơn gò chuyển dạ thật sự xuất hiện, các cơn đau của thai phụ sẽ tăng dần lên và kéo dài hơn, không chỉ vậy mà tần suất cũng sẽ dồn dập hơn. Đây là những dấu hiệu việc sinh con của sản phụ sẽ diễn ra trong một vài giờ tới tùy thuộc vào cơ địa mỗi người mà có những thời gian chuyển dạ khác nhau.
2. Phân biệt các cơn gò tử cung
Trong thời gian mang thai mẹ dễ nhầm lẫn giữa cơn gò tử cung vì chúng có dấu hiệu khá giống nhau. Để phân biệt, mẹ nên dựa vào những đặc điểm như sau.
2.1 Cơn gò sinh lý
– Diễn ra không lâu cũng không liên tục chỉ khoảng 30s – 60s/lần
– Mỗi khi cơn gò đến không quá đau đớn, chỉ là những cơn đau tức nhẹ có thể chịu đựng được
– Hiện tượng thường xuất hiện khi thai nhi chuyển động, nguyên nhân có thể đến từ việc mẹ tác động vào bụng, bàng quang đầy nước hoặc là khi hai vợ chồng quan hệ.
– Cơn gò này cũng không có dấu hiệu của việc tăng dần hay ngày càng đau và nhiều hơn.
– Có thể xuất hiện khi mẹ cảm thấy mệt, đi lại nhiều.
2.2 Cơn gò khi chuyển dạ thật
– Khi cơn gò chuyển dạ đến thai phụ sẽ cảm thấy đau vùng bụng dưới, khu vực lưng. Cơn đau tăng dần và lan dần khắp vùng bụng, không chỉ vậy mà mẹ còn có thể cảm thấy đau cả 2 bên bắp đùi và 2 bên sườn.
– Đặc biệt khu vực vùng xương chậu có cảm giác căng cơ, bị chèn ép rất mạnh.
– Đau do cơn gò chuyển dạ có cảm giác như đau bụng kinh nhưng với một cường độ mạnh hơn.
– Cơn co liên tục xuất hiện dù mẹ đã ngồi nghỉ ngơi nhưng cũng không có dấu hiệu thuyên giảm.
– Bắt đầu xuất hiện hiện tượng bung nút nhầy, ra máu màu hồng nhạt
2.3 Cơn gò chuyển dạ sinh non
Nếu như xuất hiện cơn gò chuyển dạ trước tuần 37 của thai kỳ thì đó có thể là dấu hiệu của việc sinh non. Cơn gò chuyển dạ sinh non có đặc điểm tương tự với cơn gò chuyển dạ khi thai kỳ đủ tháng. Cơn đau xuất hiện theo chu kỳ khoảng 10 – 12 phút. Khi cơn đau đến thai phụ cảm giác căng tử cung và bụng sẽ cảm thấy căng cứng hơn.
Khi cơn gò tử cung sinh non xuất hiện thai phụ cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để có thể thực hiện kiểm tra, thăm khám theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt mẹ không được bỏ qua nếu như cơn đau đến kèm theo hiện tượng chảy máu âm đạo, tiêu chảy hay có nước bị chảy ra từ âm đạo.
Việc thăm khám thai sớm, định kỳ cũng có thể dự đoán hoặc tầm soát được hiện tượng sinh non. Nếu nằm một trong các trường hợp sau, mẹ bầu có nguy cơ cao sẽ sinh non hơn bình thường:
– Mang là đa thai
– Tử cung, cổ tử cung hay nhau thai có dấu hiệu bất thường
– Trước khi mang thai, trong khi mang thai thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
– Duy trì thói quen không tốt cho sức khỏe: ăn đồ ăn nhanh, thường xuyên thức khuya, làm việc nặng nhọc, thường xuyên mệt mỏi,…
– Trước đây từng có tiền sử sinh non
– Trước hoặc trong khi mang thai bị béo phì
– Khi mang thai không thăm khám định kỳ, chăm sóc theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
3. Cơn gò tử cung như thế nào là sắp sinh?
Khác với cơn co thắt Braxton – Hicks, cơn gò tử cung chuyển dạ thật sự sẽ xuất hiện và chúng khó biến mất khi thực hiện các phương pháp đơn giản như nghỉ ngơi hay uống nhiều nước.
Nếu thai phụ thắc mắc “cơn gò tử cung như thế nào là sắp sinh?” thì hãy để ý nhé. Cơn gò tử cung chuyển dạ thật sự sẽ diễn ra liên tục và ngày càng có cường độ mạnh, thường xuyên hơn. Các cơn gò tử cung này sẽ khiến cho tử cung của thai phụ mỏng hơn và mở dần để thai nhi có thể chui ra ngoài.
Cơn gò tử cung chuyển dạ thật sự báo hiệu sắp sinh sẽ phân ra thành 2 giai đoạn gồm: Cơn gò tử cung chuyển dạ pha tiềm thời và pha hoạt động, cụ thể:
3.1. Chuyển dạ pha tiềm thời
Trước khi bắt đầu chuyển dạ, thai phụ sẽ cảm nhận được sự gia tăng của các cơn gò. Thai phụ sẽ cảm nhận được các cơn thắt chặt và dãn dần ra ở bụng.
Trong suốt quá trình chuyển dạ, tử cung sẽ co lại liên tục dẫn đến cổ tử cung mỏng dần và mở ra giúp cho em bé có thể ra ngoài dễ dàng hơn. Cơn gò lúc này đóng vai trò mở rộng cổ tử cung cho đến khi nào đủ rộng giúp em bé đi qua dễ dàng.
Giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ còn gọi là chuyển dạ pha tiềm thời. Các cơn gò sẽ không giống nhau ở các mẹ bầu. Cơn gò sẽ diễn ra từ 30 – 90 giây và lúc ban đầu các cơn co thắt diễn ra nhẹ nhàng, không đều nhau khoảng từ 15 – 30 phút. Hoặc cơn co thắt bắt đầu nhanh chóng sau đó chậm dần. Thế nhưng, ở cuối pha tiềm thời thì khoảng cách của cơn gò rút ngắn còn khoảng 5 phút.
Bên cạnh các cơn gò thì mẹ bầu có thể cảm nhận được biểu hiện quan trọng khác cho biết cổ tử cung mình đang mờ dần. Dấu hiệu đó chính là dịch nhầy có màu hồng xuất hiện ở quần lót. Thậm chí, mẹ bầu sẽ vỡ ối ngay lúc này.
3.2. Chuyển dạ pha hoạt động
Trong thời điểm này, các cơn gò diễn ra mạnh mẽ và dữ dội hơn so với pha tiềm thời. Cổ tử cung của mẹ bầu sẽ mở rộng hết cỡ với kích thước khoảng 4 – 10 cm để em bé có thể chui ra ngoài.
Ngoài ra, mẹ bầu có thể xuất hiện thêm những triệu chứng như mỏi lưng, đau lưng hay đau toàn thân, chuột rút ở chân.
Các cơn gò chuyển dạ diễn ra khoảng từ 25 – 60 giây và khoảng cách giữa các cơn co này khoảng từ 3 – 5 phút. Nếu mẹ bầu nghi ngờ mình đã chuyển sang pha hoạt động hãy báo ngay với bác sĩ để kiểm tra kịp thời. Mẹ bầu cũng không phải quá lo lắng bởi các bác sĩ sẽ kiểm tra đều đặn 30 phút/lần độ mở cổ tử cung.
Nếu cổ tử cung mở rộng lên đến 7 – 10 cm thì cơn co thắt sẽ kéo dài lâu hơn với tần suất cao hơn. Lúc này các cơn gò sẽ diễn ra khoảng 60 – 90 giây và khoảng cách giữa các cơ này khoảng 30 giây đến 2 phút. Khi tử cung đạt được độ rộng cần thiết thì các cơn co thắt sẽ chồng chéo lên nhau khi mẹ bầu chuẩn bị rặn.
4. Các giúp mẹ thoải mái trong các cơn gò tử cung
Khi đối mặt với các cơn gò tử cung, đa số các thai phụ đều không cảm thấy dễ chịu. Để giai đoạn này diễn ra nhẹ nhàng và tinh thần thai phụ không bị ảnh hưởng nhiều thì hãy thực hiện các cách như:
- Thay đổi vị trí hoặc đi bộ, tuy nhiên hãy dừng lại để hít thở giữa các cơn gò tử cung nhé;
- Nếu như trong quá trình mang thai mẹ bầu có ngồi thiền thì hãy vận dụng luôn lúc này nhé;
- Nghe những bản nhạc mà thai phụ yêu thích;
- Mút hoặc ngậm 1 thỏi kẹo ngọt nếu thai phụ có cảm giác buồn nôn;
Sau 9 tháng 10 ngày mang nặng, thai phụ bước vào cuộc đẻ và phải đối mặt với mức độ đau đẻ được so sánh với gãy 20 cái xương sườn cùng lúc. Để cuộc đẻ diễn ra suôn sẻ, an toàn, thai phụ cần hiểu rõ:
- Quy trình cuộc chuyển dạ diễn ra như thế nào, thường kéo dài trong bao lâu để có hướng sinh thường hay sinh mổ, bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho thai nhi.
- Các phương pháp giảm đau trong khi sinh, hạn chế đau đớn và giải tỏa áp lực tâm lý khi chuyển dạ.
- Cách rặn và thở khi sinh thường đúng cách để cuộc chuyển dạ diễn ra nhanh chóng, thai phụ không mất sức khi sinh.
- Cách kiểm soát các cơn co tử cung sau sinh trong thời gian ngắn nhất.
- Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn không gây nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm.
- Tái khám sau sinh sớm để phát hiện những bất thường nguy hiểm như sót nhau, sót gạc.
- Chăm sóc trẻ sơ sinh đến khi đầy tháng khỏe mạnh.
Mẹ bầu hãy chuẩn bị tâm lý và thể chất thật tốt để quá trình sanh nở diễn ra một cách tốt nhất. Hãy tập trung thư giãn trong các cơn gò chuyển dạ giúp mẹ có nhiều năng lượng để bắt đầu rặn và sinh em bé.