Mỗi khi con trẻ bị sốt các mẹ đều sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ. Nhưng cách đo nhiệt độ của bạn đã thực sự chuẩn chưa, bạn có biết đo nhiệt độ ở đâu chính xác nhất? Hãy tham khảo thêm bài viết sau đây để có thêm kỹ năng giúp đo nhiệt độ cho bé nhé!
1. Sốt là gì?
Thân nhiệt được kiểm soát bởi vùng hạ đồi của não. Vùng hạ đồi điều chỉnh thân nhiệt cơ thể bằng cách cân bằng giữa việc tạo nhiệt của các cơ, gan với sự mất nhiệt qua da, phổi. Sốt xảy ra khi vùng hạ đồi làm tăng thân nhiệt. Sốt thường là do đáp ứng của hệ miễn dịch đối với các tác nhân nhiễm khuẩn như vi khuẩn hoặc virus.
Khi bị sốt, nhiệt độ cơ thể ở trực tràng sẽ là trên 38oC, ở miệng là trên 37.5oC, ở nách là trên 37.2oC và ở tai là trên 38oC.
Nhiễm khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây sốt. Bên cạnh đó, các bệnh lý do virus và vi khuẩn như tiêu chảy, cảm, nhiễm khuẩn tai, viêm thanh quản cấp và viêm tiểu phế quản,… chính là nguyên nhân hàng đầu gây sốt. Một số loại vắc xin có thể gây sốt và thời gian sốt thay đổi tùy thuộc với từng loại vắc xin được sử dụng.
2. Cách đo thân nhiệt chính xác
Có nhiều phương pháp đo thân nhiệt cho trẻ. Thường thì đo nhiệt độ ở trực tràng là phương pháp chính xác nhất. Tuy nhiên, cha mẹ cũng có thể do nhiệt độ ở miệng cho trẻ trên 4 tuổi, đo nhiệt độ ở tai cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Đo thân nhiệt ở nách là phương pháp ít chính xác nhất nhưng lại rất thuận tiện, đặc biệt là đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Nếu nhiệt độ ở nách dưới 37.2oC thì phụ huynh nên sử dụng thêm phương pháp đo thân nhiệt ở trực tràng.
Cha mẹ nên sử dụng nhiệt kế điện tử thay cho nhiệt kế thủy ngân vì nó có giá không cao, phổ biến và an toàn hơn. Thủy ngân rất độc, nếu nhiệt kế bị vỡ dễ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Dưới đây là các phương pháp đo thân nhiệt cho trẻ:
2.1: Đo nhiệt độ ở nách
Muốn đo nhiệt độ ở nách bạn cần trang bị nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế điện tử thông thường (có thể là đầu mềm hoặc đầu cứng).
Cách đo như sau:
Nếu bạn sử dụng nhiệt kế thủy ngân: Đầu tiên hãy vẩy cho cột thủy ngân xuống dưới vạch 35 độ. Sau đó đặt nhiệt kế dọc theo thân trẻ, đầu nhiệt kế nằm vào đúng đỉnh hõm nách của trẻ, mặt số quay vào trong người trẻ, dùng cánh tay trẻ kẹp giữ trong 5 phút. Lấy ra đặt ngang tầm mắt và đọc kết quả.
Nếu bạn sử dụng nhiệt kế điện tử cũng thực hiện tương tự, có điều khi nào có tiếng báo “Bíp” thì lấy ra và xem kết quả. Thường sau khoảng 30 giây đến 2 phút sẽ có kết quả.
Ưu điểm:
- Chi phí mua nhiệt kế rẻ.
- Dễ thao tác.
- Nếu thực hiện đo đúng cách sẽ cho kết quả có độ chính xác cao.
- Có thể thực hiện đo liên tục được cho nhiều người khác nhau nên được các bệnh viện sử dụng rất phổ biến.
- So với cách đo tại miệng và hậu môn thì đo nhiệt độ ở nách đảm bảo an toàn hơn.
Nhược điểm:
- Thời gian cho kết quả rất lâu, khiến trẻ quấy khóc hơn.
- Nếu không thực hiện đúng rất dễ bị sai lệch kết quả.
- Không có tính năng cảnh báo bị sốt cao.
- Sử dụng nhiệt kế thủy ngân sẽ khó đọc kết quả hơn, bởi các vạch thường mờ và nhỏ.
- Khi nhiệt độ tại nách từ 37.5 độ C trở lên trẻ đã bị sốt.
2.2: Đo nhiệt độ cho trẻ ở miệng
Bạn vẫn có thể sử dụng nhiệt kế thủy ngân hay nhiệt kế điện tử thông thường.
Cách đo như sau:
Nếu dùng nhiệt kế thủy ngân: Cần vệ sinh đầu nhiệt kế trước khi sử dụng. Sau đó tiến hành vẩy nhiệt kế xuống dưới vạch 35 độ C. Đặt đầu nhiệt kế thủy ngân dưới lưỡi của trẻ (như trong hình minh họa), chờ sau 3 phút lấy ra đọc kết quả.
Nếu dùng nhiệt kế điện tử: Bạn cũng cần vệ sinh sạch đầu có cảm biến, sau đó đặt đầu cảm biến dưới lưỡi của trẻ, chờ khi có tiếng “Bíp” lấy ra đọc kết quả. Trung bình sau khoảng 30 giây – 1 phút sẽ có kết quả.
Ưu điểm:
- Độ chính xác cao, phản ánh chính xác thân nhiệt của trẻ.
- Ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như nhiệt độ môi trường, quy trình đo.
- Chi phí mua nhiệt kế rẻ.
- Khi nhiệt độ đo tại miệng từ 38 độ C tức trẻ đã bị sốt.
Nhược điểm:
- Phương pháp đo này chỉ dùng cho trẻ đã lớn, có ý thức. Nếu dùng cho trẻ nhỏ rất dễ xảy ra tình trạng trẻ cắn vào làm vỡ nhiệt kế gây nguy hiểm cho sức khỏe và gây sát thương.
2.3: Đo nhiệt cho bé tại hậu môn
Phương pháp đo nhiệt độ cơ thể ở hậu môn sẽ cho kết quả chính xác tuyệt đối.
Cách đo:
Nếu dùng nhiệt kế thủy ngân: Vệ sinh đầu thủy ngân, vẩy cột thủy ngân xuống dưới vạch 35 độ C, tẩm chất bôi trơn vào đầu nhiệt kế. Đặt trẻ nằm sấp hoặc nằm ngửa. Đưa nhẹ bầu nhiệt kế vào sâu trong hậu môn khoảng 2 – 2.5 cm. Giữ trong 3 phút sau đó lấy ra đọc kết quả.
Nếu dùng loại điện tử: Thực hiện tương tự loại thủy ngân, có điều kết quả sẽ được đọc sau tiếng bíp. Thường khoảng 30 giây đến 1 phút sẽ có kết quả.
Ưu điểm:
- Phương pháp này có thể thực hiện cho mọi đối tượng kể cả trẻ sơ sinh.
- Cho kết quả có độ chính xác rất cao, ít bị nhiễu.
- Chi phí mua nhiệt kế rẻ.
- Khi nhiệt độ tại hậu môn từ 38 độ C trở lên trẻ đã bị sốt.
Nhược điểm:
- Nếu cho nhiệt kế vào hậu môn không cẩn thận sẽ làm tổn thương hậu môn.
- Làm trẻ khó chịu hơn.
- Thời gian đo lâu hơn và hơi mất vệ sinh.
2.4. Đo nhiệt độ cho trẻ ở tai
Phương pháp này ngày nay được các bà mẹ, bệnh viện và phòng khám áp dụng phổ biến hơn. Nhưng muốn đo được nhiệt đọ ở tai bạn cần trang bị nhiệt kế điện tử hồng ngoại đo tai.
Cách đo như sau:
Đặt bé ở tư thế ngồi thẳng đứng. Bé dưới 1 tuổi ống tai xu thế hướng ra trước, do đó khi đo phải kéo vành tai ra hướng sau so với lỗ tai. Bấm nút đo. Nếu bé trên 1 tuổi thì ống tai có xu hướng chúc xuống nên khi đo phải kéo vành tai lên trên.
Sau khoảng 1 – 3 giây mẹ có thể rút nhiệt kế ra và xem kết quả.
Ưu điểm:
- Độ chính xác khá cao.
- Tốc độ đo nhanh.
- Tính an toàn cao.
- Ít gây ảnh hưởng đến bé.
- Nhiệt kế đo tai còn có tính năng ưu việt: cảnh báo sốt, màn hình LCD rộng, bộ nhớ lưu trữ nhiều kết quả…
- Khi nhiệt độ tại tai từ 38 độ C trở lên trẻ đã bị sốt.
Nhược điểm:
- Cần thực hiện đo đúng cách
- Chi phí mua nhiệt kế khá cao nhưng độ bền cực cao.
- Chỉ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
- Nếu tai trẻ có nhiều ráy tai kết quả sẽ thiếu chính xác.
2.5. Đo nhiệt độ cho bé ở trán
Phương pháp đo trán sẽ giúp bé yêu cảm thấy thoải mái, đầu đo không cần phải tiếp xúc trực tiếp vào trán mà vẫn cho kết quả chính xác. Đo nhiệt độ ở trán bạn cần trang bị nhiệt kế hồng ngoại đo trán.
Cách đo:
Bạn hãy đưa đầu dò hồng ngoại vào giữa trán của trẻ. Để đầu dò cách trán trẻ khoảng 1 – 3 cm sau đó bấm nút đo, kết quả sẽ có chỉ sau khoảng 1 – 3 giây.
Ưu điểm:
- Rất dễ đo
- Không gây ảnh hưởng đến bé.
- Tốc độ đo nhanh
- Tính an toàn cao
- Có thể đo khi bé ngủ.
- Nhiệt kế hồng ngoại đo trán còn đo được cả nhiệt độ vật thể.
- Khi nhiệt độ tại trán từ 37.5 độ C trở lên, trẻ đã bị sốt.
- Có cảnh báo sốt cao
Nhược điểm:
- Chi phí mua nhiệt kế cao.
Trên đây là 5 cách đo nhiệt kế phổ biến nhất hiện nay được các mẹ áp dụng rộng rãi. Hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm kinh nghiệm để chăm sóc con trẻ bị ốm được tốt hơn, an toàn hơn.