Vắc-xin được coi là một bước đột phá trong y tế dự phòng. Vắc-xin giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ bằng cách ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, để bảo vệ cho trẻ, cha mẹ cần ghi nhớ lịch tiêm phòng đầy đủ cho trẻ từ 0 – 24 tháng tuổi dưới đây.
1. Vì sao trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ?
Dưới 5 tuổi, sức đề kháng của trẻ còn rất non yếu, đặc biệt đối với trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng,… Trong khi đó, điều kiện môi trường phức tạp, thời tiết, khí hậu, nhiệt độ diễn biến bất thường… tạo điều kiện cho nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm phát triển. Dịch bệnh tấn công là một trong những nguy cơ tiềm ẩn luôn thường trực đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chưa kể hiện nay, một số dịch bệnh đang có khuynh hướng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp như SARS, H1N1, H5N1, trong khi đó, khả năng điều trị một số bệnh của y học hiện đại vẫn còn hạn chế, thậm chí ngay cả khi đã được điều trị kịp thời vẫn có thể tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề. Đó là lý do vì sao trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe trọn đời.
Lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ chính là giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Kháng thể được hình thành có nhiệm vụ tiêu diệt vi rút, vi khuẩn và tồn tại trong máu để bảo vệ cơ thể chống các tác nhân gây bệnh ở những lần xâm nhập sau.
2. Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh (tiêm càng sớm càng tốt sau khi sinh):
- Vắc xin Engerix B/ Euvax B liều sơ sinh phòng bệnh Viêm gan B, tiêm cho trẻ 24 giờ đầu sau sinh.
- Vắc xin BCG liều sơ sinh phòng bệnh lao. Tiêm trong 30 ngày đầu sau sinh.
3. Tiêm phòng cho trẻ 2 tháng tuổi:
- Vắc xin kết hợp phòng 6 bệnh (ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ) dạng 6 trong 1 Infanrix hexa (Bỉ)/ Hexaxim (Pháp) hoặc dạng 5 trong 1 Pentaxim (Pháp), Infanrix IPV + Hib (Bỉ) (không có thành phần kháng nguyên viêm gan B). Tiêm mũi 1.
- Vắc xin Rotarix (Bỉ), Rotateq (Mỹ), Rotavin-M1 (Việt Nam) phòng Rota virus gây bệnh tiêu chảy cấp. (liều 1)
- Vắc xin Synflorix (Bỉ), Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 1)
4. Tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi:
- Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1. Tiêm mũi 2. (Nếu tiêm 5 trong 1 thì phải bổ sung mũi viêm gan B).
- Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus (liều 2).
5. Tiêm phòng cho trẻ 4 tháng tuổi:
- Vắc xin kết hợp 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi 3 (nếu tiêm vắc xin kết hợp 5 trong 1 thì tiêm thêm mũi viêm gan B).
- Vắc xin Synflorix (Bỉ)/ Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 2).
- Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus (liều 3).
6. Tiêm phòng cho trẻ 6 tháng tuổi:
- Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp) phòng bệnh cúm (Tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng).
- Vắc xin VA-MENGOC-BC phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 1)
- Vắc xin Synflorix (Bỉ)/Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 3).
7. Tiêm phòng cho trẻ 9 tháng tuổi:
- Vắc xin VA-MENGOC-BC (Cu Ba) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 2)
- Vắc xin sởi đơn MVVac (Việt Nam) phòng bệnh sởi.
- Vắc xin Varilrix (Bỉ) phòng bệnh thủy đậu.
- Vắc xin Imojev (Thái Lan) phòng Viêm não Nhật Bản.
8. Tiêm phòng cho trẻ 12 tháng tuổi:
- Vắc xin 3 trong 1 MMR-II (Mỹ) phòng bệnh sởi, quai bị, rubella.
- Vắc xin Varivax/Varicella phòng bệnh thủy đậu (Nếu chưa tiêm Varilrix)
- Vắc xin Jevax (Việt Nam) phòng bệnh viêm não Nhật Bản B: Tiêm 2 mũi, cách nhau 1 – 2 tuần.
- Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bệnh viêm gan A. Liều nhắc lại sau 6-18 tháng.
- Vắc xin Synflorix (Bỉ)/Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 4).
9. Tiêm phòng vắc xin cho trẻ 15 – 24 tháng tuổi:
- Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi 4 (nếu chích 5 trong 1 thì chích thêm mũi viêm gan B)
- Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bênh viêm gan A (mũi nhắc)
- Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp) phòng bệnh cúm (mũi 3 – sau mũi thứ hai 1 năm)
10. Tiêm phòng cho trẻ đủ 24 tháng tuổi:
- Vắc xin Menactra (Mỹ) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A,C,Y,W-135.
- Vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B (mũi 3).
- Vắc xin Typhim VI/Typhoid VI phòng bệnh thương hàn.
- Vắc xin Tả mORCVAX (Việt Nam) gồm 2 liều uống (dành cho trẻ sống ở vùng nguy cơ cao, liều hai sau liều một 2 tuần).
11. Những lưu ý khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
– Tạo cảm giác thoải mái cho trẻ
Khoảng thời gian chờ đến lượt tiêm, chờ xem con có bị tác dụng phụ của vắc xin hay không sẽ rất lâu. Nếu con mặc tã không có độ co giãn hay thấm hút tốt sẽ làm cho con khó chịu, nóng bức và quấy khóc.
Do đó, mẹ chọn cho con loại tã dán có khả năng thấm hút tốt, mềm mại và thoáng khí, học khóa tràn 3 chiều với vách chống tràn sau như tã dán Lọt Lòng Huggies Bọc Kén Con tằm 360 giúp con yêu luôn có cảm giác khô thoáng, sạch sẽ, thoải mái, từ đó con sẽ hợp tác chờ đến lượt mình được tiêm với một tâm trạng hết sức vui vẻ, phấn khởi.
– Chống chỉ định vắc xin
- Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng với vắc xin lần trước như sốt trên 39 độ, co giật, dấu hiệu não, màng não, tím tái, khó thở.
- Suy giảm miễn dịch (bẩm sinh hoặc mắc phải HIV): không tiêm VC sống giảm độc lực.
- Chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất từng loại VC.
– Các trường hợp tạm hoãn
- Suy chức năng cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê…
- Mắc bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng.
- Sốt từ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5°C (tại nách).
- Dùng globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng.
- Dùng corticoid liều cao tương đương prednison ≥ 2mg/kg/ngày, hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày, hoãn tiêm VC sống giảm độc lực.
- Trẻ bị tim bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính có tăng áp lực động mạch phổi ≥ 40mmHg.
– Các trường hợp tiêm phòng cho trẻ tại bệnh viện
- Trẻ có cân nặng dưới 2kg.
- Có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại VC.
- Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim phổi, tiêu hóa, tiết niệu, máu ung thư chưa ổn định.
Khoảng cách vắc xin nên theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tuy nhiên tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sớm ≤ 4 ngày vẫn được chấp nhận. Tiêm trễ hơn lịch vẫn có hiệu quả nhưng sẽ không đạt hiệu quả tối ưu.
Phản ứng bất lợi sau tiêm chủng nhẹ: thường xảy ra sau vài giờ tiêm chủng, và tự khỏi trong thời gian ngắn như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, chán ăn. Mẹ có thể cho bé dùng paracetamol để giảm nhẹ các triệu chứng.
Phản ứng vắc xin nặng bao gồm: co giật, giảm trương lực cơ, khóc dai dẳng, sốc phản vệ.
Mẹ cần theo dõi bé tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng các dấu hiệu: tổng trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm. Đưa trẻ ngay đến bệnh viện khi có sốt cao ≥ 39°C, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban và các biểu hiện bất thường khác hoặc khi các phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.