Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào là cách tốt nhất giúp trẻ có tiền đề phát triển vững chắc. Một số mẹ sau sinh chưa đủ sữa để đáp ứng nhu cầu ăn của trẻ. Vậy mẹ có thể sử dụng các yếu tố giúp tăng tiết sữa mẹ sau đây để có sữa cho con bú hiệu quả.
1. Nguyên nhân khiến mẹ ít sữa
– Tinh thần căng thẳng, stress
Sự tiết sữa của mẹ chịu ảnh hưởng bởi 2 hormone chính là Prolacin và Oxytocin. Khi người mẹ bị stress, căng thẳng kéo dài thì 2 loại hormone này giảm xuống, khiến sữa mẹ ít dần đi. Tình trạng này kéo dài có thể gây mất sữa.
– Dinh dưỡng không đầy đủ
Sau sinh nếu mẹ không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ sẽ khiến mẹ suy nhược dần, lâu phục hồi sức khỏe. Từ đó lượng sữa tiết ra cũng sẽ giảm dần.
– Ăn phải thực phẩm gây ít sữa
Một số thực phẩm mẹ nên kiêng sau sinh vì chúng có thể là nguyên nhân gây ít sữa, bao gồm lá lốt, rau mùi tây, rau bạc hà, măng chua, đồ uống có cồn, cà phê, thức ăn nhiều dầu mỡ, ớt, tỏi…
– Mẹ mắc bệnh liên quan đến tuyến vú
Viêm tuyến vú và áp xe vú do tắc sữa là nguyên nhân ảnh hưởng đến lượng sữa của mẹ. Ngoài ra, các bệnh liên quan đến tuyến vú như thiểu sản tuyến vú, phẫu thuật ngực cũng sẽ ảnh hưởng đến sự tiết sữa của tuyến vú.
– Mẹ bị sót rau
Mặc dù rất hiếm gặp, nhưng sót rau khiến mẹ đau đớn vì những cơn co bóp tử cung, lượng hormone progesterone không giảm sẽ ngăn cản quá trình tiết sữa làm mẹ ít sữa.
– Mẹ bị rối loạn nội tiết, thiếu máu
Rối loạn nội tiết gây ra sự rối loạn về hormone, trong đó có cả hormone sản xuất sữa. Trong khi đó, thiếu máu sẽ khiến người mẹ mệt mỏi, không đủ máu đi đến các cơ quan làm quá trình tiết sữa chậm lại.
– Cho con dùng sữa công thức sớm
Nếu con bú nhiều sữa công thức sớm sẽ dẫn đến tình trạng chán sữa mẹ và bỏ ti. Khi trẻ không bú nữa, sữa mẹ sẽ ít dần cho đến khi mất hẳn
– Lạm dụng ti giả
Nếu lạm dụng ti giả và núm vú giả, bé sẽ quen với ti giả mà bỏ vú mẹ. Việc hút sữa sẽ không kích thích tuyến sữa hoạt động tốt như khi cho trẻ bú trực tiếp. Đây cũng là nguyên nhân ít sữa sau sinh khá phổ biến.
– Trẻ bú lắt nhắt, bú ít trong mỗi cữ
Trẻ dưới 3 tháng tuổi, việc bú lắt nhắt rất thường xuyên vì dạ dày của trẻ còn nhỏ. Hoạt động bú lắt nhắt của bé sẽ kích thích tuyến sữa tiết ra nhiều sữa hơn. Tuy nhiên, khi bé đã lớn mà vẫn bú lắt nhắt như vậy, cơ thể mẹ sẽ lầm tưởng là nhu cầu sữa ít hơn và hạn chế tiết sữa.
– Dùng máy hút sữa không đúng
Lực hút quá mạnh của máy hút sữa sẽ làm tổn thương đầu ngực hoặc mẹ phụ thuộc hoàn toàn vào máy hút sữa mà quên mất việc cho con bú. Đây có thể là nguyên nhân gây ít sữa ở mẹ.
– Mẹ sinh non, sinh mổ
Mẹ sinh non khi cơ chế sản xuất sữa chưa hoàn thiện dẫn đến tình trạng ít sữa sau sinh. Đối với mẹ sinh mổ, việc sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau sẽ cản trở sự hoạt động của tuyến sữa. Vì vậy, những mẹ sinh non, sinh mổ hay gặp tình trạng ít sữa hơn so với các mẹ sinh thường.
2. Các yếu tố giúp tăng tiết sữa mẹ
– Cho trẻ bú càng sớm càng tốt:
Động tác mút sữa của con sẽ giúp tăng tiết sữa mẹ. Ngay cả khi mẹ chưa có sữa vẫn nên cho trẻ bú để gọi sữa về nhanh và giúp trẻ bú được lượng sữa non đầu tiên vô cùng quý giá. Trẻ càng bú nhiều, lượng sữa mẹ về càng nhiều do sữa mẹ được bài tiết theo cơ chế phản xạ. Khi trẻ bú, xung động cảm giác sẽ truyền từ vú lên não, não sẽ kích thích tuyến yên sản xuất ra hormon prolactin và oxytocin. Trong đó, Prolactin giúp kích thích các tế bào tiết sữa sản xuất ra sữa, tăng phản xạ tạo sữa. Oxytonic giúp co các cơ xung quanh nang sữa để dẫn sữa ra núm vú, tăng phản xạ tống sữa.
Ngoài ra, khi cho con bú, người mẹ nên nghĩ về con bằng tình yêu thương, sự thoải mái. Tâm lý này giúp kích thích oxytocin, có lợi cho việc tiết sữa. Ngược lại, nếu mẹ cho con bú trong trạng thái tự ti, lo lắng, nghĩ sữa mình không tốt sẽ cản trở phản xạ này.
Lưu ý, cho trẻ bú theo nhu cầu, không nên hạn chế lượng bú của trẻ. Khi trẻ no trẻ sẽ tự nhả vú ra.
– Làm trống bầu sữa sau khi cho con bú:
Hút cạn bầu sữa là cách giúp mẹ nhiều sữa nhờ kích thích giúp lượt sữa tiếp theo mau về. Người mẹ nên cho con bú khoảng 20 – 30 phút/lần, tùy theo lực bú của trẻ. Trẻ có thể bị xao nhãng trong việc bú mẹ, vừa bú vừa chơi, ngó nghiêng xung quanh. Tốt nhất, mẹ nên cho trẻ bú ở nơi yên tĩnh, vắng người, không có ai nói chuyện, như vậy trẻ sẽ tập trung vào việc bú.
Mẹ nên cho con bú đúng cách, bú hết bầu này mới chuyển sang bầu khác để tận dụng hết nguồn sữa trong bầu ngực của mẹ. Nhất là khi lượng sữa cuối bầu chứa rất nhiều chất béo giúp trẻ tăng cân.
Nếu trẻ bú xong mà vẫn cảm thấy còn sữa trong ngực thì mẹ nên dùng máy hút sữa vắt hết ra. Có thể trữ đông lượng sữa này để dành cho bé dùng lần sau.
Nếu sữa mẹ quá ít không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ thì nên cho trẻ bú mẹ trước, khi đã bú kiệt cả hai bầu thì mới cho trẻ ăn thêm sữa công thức.
– Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, khoa học:
Có rất nhiều thực phẩm giúp tăng tiết sữa mẹ như: đu đủ xanh, cháo, chè vừng đen, ngũ cốc, quả sung… Người mẹ có thể tăng cường các loại thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày.
Ngoài việc ăn gì để tăng chất lượng sữa mẹ, mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, đa dạng thực phẩm cũng rất quan trọng cho việc có lượng sữa dồi dào và đầy đủ chất, giúp trẻ mau lớn, khỏe mạnh. Người mẹ cần ăn đủ 4 nhóm chất: chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và các loại rau củ quả.
– Uống nhiều nước mỗi ngày:
Mỗi ngày, người mẹ nên uống khoảng từ 2 – 3 lít nước, bao gồm cả nước lọc, nước canh, nước hoa quả, sữa… Nên uống một cốc nước ấm trước khi cho con bú hoặc trước khi vắt sữa. Trước khi đi ngủ nên uống một ly sữa ấm. Ngoài ra, có thể uống các loại nước lợi sữa như: nước bồ công anh, nước chè vằng…
– Giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc:
Tinh thần thoải mái, sức khỏe ổn định là điều kiện cần thiết để đảm bảo lượng sữa của mẹ. Như đã nói ở trẻ, tâm lý có thể ảnh hưởng đến phản xạ tống sữa. Mẹ càng vui vẻ, lạc quan lượng sữa càng nhiều và ngược lại.
– Massage ngực:
Thực hiện massage sẽ khiến ống dẫn sữa giãn nở, giúp sữa chảy nhanh và nhiều hơn, kích thích tuyến sữa sản xuất lượng sữa nhiều hơn.
Massage bầu ngực không chỉ giúp kích sữa cho mẹ bị ít sữa, mất sữa mà còn góp phần ngăn ngừa ung thư vú, hỗ trợ các vấn đề liên quan như tắc tia sữa, u vú, áp xe vú. Cách thực hiện rất đơn giản, mẹ nhúng khăn mặt vào nước ấm khoảng 2p rồi đặt khăn lên bầu ngực và tiến hành massage nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ.
Áp dụng cách kích sữa này mẹ phải thực hiện massage đều đặn 2-4 lần một ngày, mỗi lần khoảng 10p. Sau khi massage ngực kích sữa mẹ có thể uống một ly sữa ông thọ ấm để nhanh về sữa hơn.
3. Các loại thức uống lợi sữa sau sinh
– Uống sữa nóng mỗi ngày: Uống sữa nóng sau sinh không chỉ lợi sữa mà còn giúp cung cấp nguồn dinh dưỡng giúp cơ thể mẹ hồi phục nhanh hơn.
– Lá đinh lăng: Từ xưa đến nay, các mẹ cho con bú thường uống nước lá đinh lăng để tăng tiết sữa, vừa đơn giản, vừa lành tính mà còn hiệu quả.
– Nước gạo lứt: Gạo lứt là thực phẩm giúp thanh lọc, giải độc cơ thể. Đây chính là lý do vì sao khi chị em phụ nữ ăn kiêng, rất hay chọn loại ngũ cốc dinh dưỡng này. Uống nước gạo lứt rang, mẹ có thể yên tâm với nguồn sữa về nhiều, thơm ngon và bổ dưỡng dành cho con. Loại ngũ cốc lợi sữa này còn giúp cho mẹ thanh lọc các chất độc trong cơ thể.
– Nước rau má: Rau má được mệnh danh là loại rau có tác dụng lợi sữa, kháng khuẩn, và còn giúp cải thiện làn da sau sinh.
– Các loại đậu: Các loại đậu có tính bình, giúp thanh lọc, giải nhiệt cho cơ thể. Nước uống từ các loại đậu nhất định phải được mẹ thêm vào danh sách thực phẩm lợi sữa. Chọn các loại đậu và gạo gồm đậu xanh, đậu đỏ, gạo tẻ hoặc nếp và một ít hạt sen, ninh lấy nước uống hằng ngày. Đây chính là nguồn ngũ cốc tạo sữa hiệu quả và an toàn phù hợp với hầu hết thể trạng của mẹ và góp phần bổ sung chất dinh dưỡng vào nguồn sữa mẹ.
– Nước lá chè vằng: Không chỉ giúp mẹ có nguồn sữa dồi dào, nước lá chè vằng còn giúp cơ thể mẹ sớm hồi phục sau sinh nhờ khả năng kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa, vị giác. Hãm chè vằng uống hằng ngày là lựa chọn hoàn hảo cho chị em phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Uống ấm sẽ giúp sữa về nhanh hơn là để nguội.
– Nước gạo: Hỗn hợp gạo tẻ, gạo nếp, hạt sen và một ít đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ…) được nấu nhừ với nhau để lấy nước uống thì rất tốt cho sữa mẹ. Lưu ý để nấu được nước uống thì thành phần gạo trong hỗn hợp chỉ chiếm một lượng rất nhỏ thôi.
– Nước lọc ấm: Mỗi ngày mẹ cho con bú nên uống khoảng 2,5 lít nước. Tuy có nhiều loại nước khác nhau để mẹ có thể thay đổi khẩu vị, nhưng một ly nước lọc ấm trước khi cho con bú cũng sẽ giúp cho tuyến sữa hoạt động tốt hơn.
Bài viết trên đã chia sẻ thông tin về cách kích sữa cho mẹ ít sữa, mất sữa hiệu quả và an toàn. Hy vọng, mẹ đã có thêm kiến thức hữu ích để nuôi con bằng sữa mẹ thành công.