Sau sinh mổ không có sữa cho con bú là tình trạng mà nhiều mẹ gặp phải. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này ra sao thì không phải ai cũng biết.
Trải qua một cuộc phẫu thuật sinh mổ kéo dài thì cuối cùng em bé cũng ra đời trong sự mong chờ của cả gia đình. Tuy nhiên, sau đó người mẹ sẽ phải gánh chịu không chỉ đơn thuần là cảm giác đau khi vết mổ hết thuốc tê mà còn là tình trạng không có sữa cho con bú. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và phải khắc phục ra sao?
1. Thế nào là thiếu sữa sau sinh mổ?
Tình trạng thiếu sữa sau sinh xảy ra khi tuyến sữa của mẹ hoạt động không hiệu quả, khiến vú tiết ra rất ít sữa, không đủ cho bé bú. Những sản phụ sau sinh mà vú không tiết sữa hoặc tiết ra rất ít thì được coi là thiếu sữa.
Thông thường, tình trạng thiếu sữa sau sinh chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không gây ảnh hưởng đến nguồn sữa sau này của trẻ. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều mẹ không có sữa sau khi sinh mổ và vội vàng nghĩ rằng bản thân không có sữa hoặc bị mất sữa sau sinh.
2. Nguyên nhân khiến mẹ không có sữa sau sinh
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất nên việc không có sữa sau sinh khiến nhiều bà mẹ lo lắng.
Không có sữa sau sinh hay ít sữa sau sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau khiến lượng sữa không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ.
- Căng thẳng kéo dài
Nếu người mẹ có cuộc sống bận rộn, nhiều lo lắng, áp lực từ công việc nhiều gây căng thẳng, stress sẽ là yếu tố dẫn đến cơ thể không tiết sữa sau sinh làm cho không có sữa cho con bú.
- Nội tiết tố mất cân bằng
Là một tuyến nội tiết nhỏ nằm dưới yết hầu nhưng tuyến giáp lại có vai trò quan trọng để duy trì sự cân bằng hormone trong cơ thể. Mất cân bằng nội tiết tố có thể do tuyến giáp gặp trục trặc, kéo theo đó là lượng sữa tiết ra ít hoặc không có sữa sau sinh.
Sự phát triển tuyến vú, thời kỳ dậy thì, khả năng sinh sản của phụ nữ đều có liên quan đến hai hormone là estrogen và progesterone. Bên cạnh đó prolactin hỗ trợ sản xuất sữa trong thời kỳ mang thai còn oxytocin giúp dòng sữa chảy qua ống dẫn của tuyến vú.
Nếu phụ nữ bị thiếu các hormone trên do tuyến giáp gặp trục trặc hoặc do bất kỳ yếu tố nào đều sẽ cản trở quá trình sản xuất sữa mẹ.
- Ảnh hưởng của lối sống
Quá trình sản xuất sữa sẽ bị ảnh hưởng nếu người mẹ có lối sống ít vận động, ăn uống không đảm bảo, sử dụng rượu bia, cà phê, thuốc lá và các chất gây nghiện.
Mẹ sau sinh muốn sữa về nhanh cần có lối sống lành mạnh, chế độ ăn đảm bảo, tránh xa các chất kích thích.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc và thảo dược
Trước khi sinh con hoặc ngay sau khi sinh nếu sử dụng một số loại thuốc và thảo dược rất có thể là tác nhân cản trở việc sản xuất sữa mẹ.
Theo các chuyên gia sức khỏe, thuốc giảm đau khi chuyển dạ sẽ gây trì hoãn việc tiết sữa, không có sữa sau sinh.
Bên cạnh đó, việc sử dụng cây xô thơn, lá kinh giới, rau mùi tây và bạc hà cũng sẽ gây ức chế việc tiết sữa.
Vậy nên khi đang mang bầu hoặc sau khi sinh, chị em cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kì loại thuốc nào để không ảnh hưởng đến sữa.
- Sử dụng thuốc tránh thai
Nếu mẹ sử dụng các loại thuốc tránh thai có kết hợp cả Estrogen và Progessteron sẽ ảnh hưởng đến sự tiết sữa của mẹ bởi Estrogen chính là thành phần ức chế Prolatin – hormore phụ trách sản xuất sữa.
Vậy nên trong thời gian đầu sau khi sinh, nếu muốn tránh thai chỉ nên áp dụng các biện pháp phòng tránh không dùng thuốc như bao cao su, màng chắn tinh trùng… Hoặc mẹ có thể sử dụng thuốc tránh thai dùng khi cho con bú và cấy que tránh thai bởi 2 phương pháp này chỉ có progestin – không ảnh hưởng đến nguồn sữa của mẹ.
- Tác động từ môi trường
Sự tác động của tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tiêu thụ thực phẩm bẩn sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa của cơ thể người mẹ.
Chị em nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa để hạn chế những tác động xấu từ môi trường, hạn chế ra ngoài nơi đông đúc, ô nhiễm, ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm ôi thiu, có mùi lạ…
- Gặp khó khăn khi sinh con
Hormone gây căng thẳng sẽ tăng lên trong các trường hợp sinh khó, sinh mổ, chuyển dạ kéo dài, băng huyết sau sinh… ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất sữa mẹ, tình trạng không có sữa sau sinh sẽ xảy ra.
- Liệu pháp tiêm tĩnh mạch
Trong khi sinh nếu mẹ bầu phải tiêm tĩnh mạch sẽ trở thành tác nhân góp phần làm trì hoãn sự khởi đầu của quá trình tiết sữa.
- Mất máu quá nhiều
Phụ nữ khi sinh bị mất máu quá nhiều có thể làm cho tuyến yên nằm trong não bị tổn thương, không còn khả năng kích hoạt sự tiết sữa. Trường hợp mất hơn 500ml máu trong khi sinh trở thành nguyên nhân dẫn đến tình trạng không có sữa sau sinh hoặc sữa chậm về.
- Sinh non
Những mẹ bầu chuyển dạ sinh non thì các mô tuyến trong vú sẽ không có thời gian đủ để phát triển nên không có sữa sau sinh.
- Sót nhau thai
Sót nhau thai trong tử cung sau khi sinh là nguyên nhân kích hoạt quá trình giải phóng progesterone, estrogen ngăn chặn sự khởi đầu của việc tiết sữa. Bên cạnh đó, sót rau cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hậu sản ảnh hưởng đến tiết sữa.
- Đái tháo đường thai kỳ
Insulin là một trong những hormone quan trọng đối với việc sản xuất sữa mẹ. Nồng độ insulin sẽ có sự dao động nếu mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ, tác động đến sự khởi đầu của quá trình tiết sữa.
- Tuổi của người mẹ
Sinh con khi tuổi đã cao cũng là một trong những yếu tố làm cơ thể chậm tiết sữa, sữa ít, thậm chí là không có sữa sau sinh.
- Lo lắng khi không có sữa sau sinh
Rất nhiều bà mẹ rơi vào tình trạng căng thẳng, lo lắng và bất an khi chậm có sữa hoặc ít sữa cho con bú, việc này vô tình khiến tình trạng không có sữa sau sinh xảy ra.
3. Mẹ sinh mổ không có sữa phải làm sao?
Nếu đang thắc mắc “mẹ sinh mổ không có sữa phải làm sao?” thì hãy áp dụng ngay các phương pháp sau nhé:
3.1 Thực hiện hút sữa thường xuyên
Mẹ không có sữa sau khi sinh mổ là tình trạng khá thường gặp. Vì thế, để “gọi sữa” về nhanh thì mẹ hãy chịu khó kích sữa bằng cách hút thường xuyên và đều đặn tại các khung giờ nhất định. Nên hút sữa mỗi cữ cách nhau 3 tiếng để tạo thói quen và cơ thể nhận được tín hiệu và tiết sữa nhiều hơn.
Để sữa về nhiều thì trước mỗi lần hút sữa mẹ nên:
- Uống 1 ly sữa nóng hoặc nước ấm;
- Dùng tay tự massage ngực để cơ thể nhận được tín hiệu và tiết sữa;
- Vệ sinh núm vú bằng nước ấm.
Nên hút sữa trong khoảng thời gian từ 15-30 phút. Mỗi lần nên hút kiệt và trữ sữa trong túi hoặc bình đựng sữa chuyên dụng và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu trẻ không bú hết thì mẹ có thể bảo quản sữa mới hút vào ngăn trữ đông để dùng dần, như vậy thì sữa sẽ không bị biến chất. Về lâu dài sẽ không phải lo sinh mổ không có sữa phải làm sao nữa.
3.2 Cho con bú ngay sau sinh
Nhiều mẹ sau sinh mổ vì cơ thể còn mệt nên không cho trẻ bú ngay. Khi thấy có chút sữa non thì vắt bỏ đi vì sợ ảnh hưởng của thuốc tê, thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chính sữa non có màu vàng, được tiết ra đầu tiên sau sinh lại có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp đôi sữa trưởng thành sau này. Sữa non rất tốt với trẻ sơ sinh và giúp hệ miễn dịch của trẻ luôn khỏe mạnh.
Để cải thiện tình trạng mẹ không có sữa sau khi sinh mổ thì hãy cho bé bú ngay khi chào đời. Trường hợp mẹ có sức khỏe yếu thì hãy nghỉ ngơi 3-4 tiếng rồi cố gắng cho trẻ bú sớm, đồng thời massage bầu ngực để kích thích hoạt động tiết sữa.
Cho trẻ bú ngay sau sinh không chỉ giải quyết tình trạng mẹ không có sữa sau khi sinh mổ mà còn giúp mẹ bớt cảm giác đau. Đồng thời tử cung cũng co bóp tốt hơn để đẩy sản dịch ra ngoài.
3.3 Âu yếm con thường xuyên để “gọi sữa” về
Họa động âu yếm con có thể giúp mẹ không có sữa sau khi sinh mổ “gọi sữa” về là vì nó đẩy nồng độ prolactin và oxytocin trong cơ thể mẹ, nhờ đó hoạt động tuyến sữa cũng hiệu quả hơn.
3.4 Ăn uống, nghỉ ngơi khoa học
Nhiều mẹ không có sữa sau khi sinh mổ là vì ăn uống, nghỉ ngơi chưa khoa học, điều độ. Do vậy, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ chất và phù hợp sau sinh cũng rất quan trọng trong việc kích sữa cho mẹ.
Sau sinh mổ, mẹ hãy chịu khó ăn uống, bổ sung các thực phẩm lợi sữa, chứa nhiều vitamin và khoáng chất, phytoestrogen…để sữa về nhiều và chất lượng tốt hơn.
Ngoài các phương pháp kích sữa kể trên thì mẹ không có sữa sau khi sinh mổ cũng có thể áp dụng các phương pháp kích sữa dân gian như: Dùng lá mít massage ngực, dùng lược chải đầu, uống chè vằng, uống đinh lăng…
4. Sau sinh mổ mẹ nên lưu ý điều gì?
Để tránh tình trạng mẹ không có sữa sau khi sinh mổ và giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục thì nên lưu ý những điều sau:
- Nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Một số thực phẩm có thể giúp mẹ kích thích và tạo sữa như: Đu đủ xanh, thịt bò, rau lang luộc, thịt thăn, sữa nóng…
- Mẹ nên uống đủ nước. Có thể mẹ không biết nhưng trong sữa chiếm đến 90% là nước, nếu mẹ bổ sung đủ nước cho cơ thể thì sẽ có lượng sữa dồi dào.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, giữ cho tinh thần luôn vui vẻ. thoải mái.
Mẹ không có sữa sau khi sinh mổ hay sữa về ít là tình trạng khá phổ biến, nếu biết cách khắc phục thì mẹ sẽ trải qua giai đoạn này dễ dàng. Trong trường hợp tình trạng không có sữa diễn ra từ 7 – 10 ngày, kèm theo vết mổ sưng đau, chảy dịch, dịch sản nhiều, đau bụng dữ dội thì mẹ hãy đến bệnh viện để kiểm tra ngay nhé.