3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh về mọi mặt và cũng là lúc mẹ bầu cần chuẩn bị sức khỏe, tâm lý thật tốt để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn vất vả. Mẹ bầu có thể thấy rất nhiều sự thay đổi nhanh chóng trên cơ thể của mình, đây cũng là giai đoạn mẹ dễ cảm thấy mệt mỏi vì bị mất ngủ, lo lắng, đi tiểu nhiều. Vì vậy, có rất nhiều điều mẹ bầu cần chú ý đến trong giai đoạn này.
1. Chú ý khám thai định kỳ
Ở 3 tháng cuối thai kỳ, lịch khám thai của mẹ bầu đều đặn nhiều hơn so với các giai đoạn trước để đảm bảo thai nhi luôn trong trạng thái khỏe mạnh. Lịch khám thai 3 tháng cuối chi tiết như sau:
Tuần thứ 28 – tuần thứ 32: Khám thai từ 1-2 lần.
- Đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng và nghe tim thai.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Siêu âm thai.
- Tiêm vắc xin ngừa uốn ván (mũi thứ 2 tiêm cách ngày sinh dự kiến 1 tháng.
Tuần thứ 32 – tuần thứ 36: Khám 2 lần/tuần.
- Đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai.
- Kiểm tra cổ tử cung để phát hiện dấu hiệu bất thường như sinh non.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Siêu âm thai.
- Xét nghiệm Non-stress Test (tùy trường hợp).
Tuần thứ 36 – tuần thứ 39: Khám thai đều đặn mỗi tuần 1 lần.
- Đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai.
- Kiểm tra cổ tử cung để phát hiện dấu hiệu bất thường như sinh non.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Siêu âm thai.
- Xét nghiệm Non-stress Test.
Sau tuần thứ 39: Khám thai đều đặn mỗi tuần 1 lần.
Trình tự khám thai và các xét nghiệm tương tự như từ tuần thứ 36 – tuần thứ 39. Ngoài ra, cần bổ sung thêm chụp X-quang khung chậu và siêu âm màu.
Các mẹ cần ghi nhớ lịch khám thai với bác sĩ để được tư vấn cụ thể việc nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ, nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn sinh nở sắp tới.
2. Dấu hiệu bất thường bà bầu 3 tháng cuối nên đi khám ngay
Lưu ý khi mang thai 3 tháng cuối nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường dưới đây, mẹ nên đi khám càng sớm càng tốt:
- Đau bụng thường xuyên, ngày càng đau hơn.
- Khi đi tiểu cảm thấy đau hoặc nóng rát.
- Hay xây xẩm, chóng mặt.
- Chảy máu.
- Tháng cuối thấy dấu hiệu rỉ nước ối sớm.
- Tình trạng tăng cân diễn ra quá nhanh hoặc quá chậm.
- Thai nhi ít đạp hoặc không chuyển động.
3. Dinh dưỡng bà bầu 3 tháng cuối
Trong giai đoạn mang thai 3 tháng cuối, mẹ sẽ cần bổ sung thêm 300 calo mỗi ngày. Do đó, mẹ bầu cần duy trì chế độ ăn cân bằng, dinh dưỡng với các thực phẩm giàu:
- Sắt và protein để ngăn ngừa thiếu máu và tốt cho sự phát triển của bé
- Canxi: Hỗ trợ sự phát triển của xương thai nhi
- Magie để giảm bớt chuột rút ở chân, thư giãn cơ bắp và ngăn ngừa sinh non
- DHA: Cần thiết cho sự phát triển trí não thai nhi
- Axit folic: Hỗ trợ sự phát triển của hệ thần kinh thai nhi, giảm nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh
- Chất xơ: Ngăn ngừa táo bón thai kỳ.
Nhiều mẹ thắc mắc bầu 3 tháng cuối nên ăn gì? Bạn có thể bổ sung các dưỡng chất kể trên thông qua các thực phẩm như thịt đỏ, thịt nạc, rau có màu xanh đậm, trái cây, đậu nành, sữa và các thực phẩm làm từ sữa, đậu đen, yến mạch, hạnh nhân, hạt lanh, quả óc chó, dầu cá, cá béo. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và tránh các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay và có tính axit (như trái cây họ cam quýt).
Uống khoảng 8 – 12 ly nước mỗi ngày để tránh mất nước và các biến chứng do mất nước. Ngoài ra, mẹ bầu uống đủ nước cũng giúp giảm táo bón và chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối.
4. Chế độ sinh hoạt
- Vận động nhẹ nhàng với các bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng cuối, yoga cho bà bầu 3 tháng cuối, đi bộ hoặc bài tập kegel để làm săn chắc cơ sàn chậu
- Tư thế nằm ngủ khi mang thai 3 tháng cuối tốt nhất là nằm nghiêng bên trái, bạn có thể kê một chiếc gối giữa 2 chân để hỗ trợ
- Mang giày để thấp, thoải mái để tránh té ngã và giảm đau lưng
- Khi cảm thấy mệt mỏi, hãy cố gắng chợp mắt hoặc ngồi xuống và thư giãn trong vài phút
Để tránh bị són tiểu khi mang thai 3 tháng cuối, bạn hãy đi vệ sinh ngay khi có cảm giác. Tránh uống nước nhiều vào buổi tối để giảm số lần đi vệ sinh gây mất ngủ.
5. Những điều kiêng kỵ khi mang thai 3 tháng cuối
Mẹ bầu cần kiêng kỵ những điều cần thiết sau để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh:
- Hạn chế quan hệ tình dục: Đối với mẹ bầu có sức khỏe không tốt thì nên kiêng quan hệ để tránh động thai, gây ảnh hưởng sức khỏe thai nhi.
- Không nên đi chơi xa: Việc đi chơi xa trong những tháng cuối thai kỳ dễ khiến cơ thể mẹ bị nhức mỏi. Nhất là gây động thai, thậm chí là sinh non.
- Không tự lái xe: Vì bụng to nên việc lái xe không thể linh hoạt như bình thường. Chưa kể cơ thể mẹ hay mệt mỏi như chóng mặt sẽ gây nguy hiểm khi lái xe.
- Tránh mặc quần lót tối màu: Quần lót tối màu cản trở việc theo dõi dịch tiết âm đạo. Ngoài ra còn không thể phát hiện những bất thường như rỉ ối, viêm nhiễm, chảy máu để xử lý kịp thời.
- Tuyệt đối không ăn quá mặn: Ăn mặn quá mức gây tăng huyết áp, tiền sản giật. Đặc biệt còn gây tích nước gây phù nề tay chân, thai nhi bị rối loạn hấp thụ dưỡng chất.
- Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt bởi sẽ gây tiểu đường cuối thai kỳ ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng mẹ và bé. Để phòng tránh tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ về kết quả xét nghiệm máu và lời khuyên về chế độ ăn uống.
Trên đây là những chia sẻ về những điều mẹ bầu cần biết về quá trình mang thai 3 tháng cuối của thai kỳ. Hy vọng rằng với nội dung về những lưu ý khi mang thai 3 tháng cuối được trình bày ở trên sẽ giúp các mẹ trang bị thêm kinh nghiệm để sẵn sàng chào đón bé yêu ra đời bình an và khỏe mạnh.