LUYỆN NGỦ CHO BÉ TRONG 7 NGÀY
Suốt thời gian sau khi con chào đời bạn không quản mệt nhọc để làm những điều tốt nhất cho con. Nhưng có những lần bạn cảm thấy mệt mỏi vì con liên tục thức đêm nhiều. Đến sau đó, khi đã quá mệt mỏi, có những lúc bạn cảm thấy bất lực và mặc kệ.
Nhiều bậc cha mẹ đã vô tình khuyến khích thói quen ngủ không đúng giờ của trẻ. Nếu con bạn đã 6 tháng hoặc lớn hơn mà vẫn có thói quen thức mỗi đêm thì đã đến lúc tập thói quen ngủ đúng giờ cho bé. Các chuyên gia đã lập một chương trình trong 7 ngày để đảm bảo cho bạn và bé có giấc ngủ suốt đêm, ít phải thức dậy vì tiếng khóc của trẻ.
- Trẻ con lớn lên trong giấc ngủ
Các bác sỹ cho biết: chỉ trong 3 năm đầu tiên, trẻ đã có 80% lượng tế bào não cần thiết cả cuộc đời. Trong 3 tháng đầu đời, não trẻ phát triển 80% so với 3 năm đầu. Và đặc biệt là, trong 30 ngày đầu tiên não bô của bé đạt được 80% so với 3 tháng đầu tiên.
Thời gian bé ngủ là lúc vỏ não tăng lượng tế bào nhiều nhất nên người ta thường nói trẻ em lớn lên về cả thể chất và tinh thần trong giấc ngủ. Tỷ lệ phát triển não như thế không bao giờ lập lại lần thứ 2 trong đời. Vì vậy các bác sỹ nhi khoa khuyến cáo:
– Nếu bé ngủ không thẳng giấc, những chức năng sinh lý liên quan đến giấc ngủ sẽ bị rối loạn. Sự phát triển tinh thần vì thế cũng sẽ bị chậm lại. bé không học hỏi nhanh và không lanh lợi bằng các trẻ bình thường khác.
– Hạn chế các nguyên nhân làm bé thức giấc: bé lạnh hoặc nóng, do tiếng ồn, do tã ướt, bé đầy hơi…
– Đừng để bé ướt khi đi ngủ: dưới 2 tuổi bé thường đi tiểu vào ban đêm vì lúc này bé chưa biết gọi mẹ khi buồn tè và thường đái dầm. Da bé có thể bị hăm, nổi mụn nước hoặc nhiễm trùng da…
– Sử dụng loại tã phù hợp với da của bé.
2. Bắt đầu tập ngủ cho bé trong 7 ngày
* Ngày 1: Bắt đầu kế hoạch làm việc đều đặn
Nhiều em bé bị xáo trộn giờ giấc giữa ngày và đêm, chúng ngủ chợp lâu vào buổi chiều và thức dậy chơi vào buồi tối đêm. Có thể khắc phục điều này vì trẻ em có thể phân biệt được ngày và đêm nếu tập cho chúng.
Hãy đánh thức bé dậy thật sớm, coi đó như một thói quen đều đặn mỗi ngày. Đặt nôi bé gần cửa sổ và vén rèm lên cao. Ánh sáng tự nhiên sẽ giúp bé có thói quen sinh hoc.
Giờ ngủ ban đêm, nên bắt đầu làm một số việc đều đặn mỗi khi đi ngủ để tạo thành thói quen cho bé như: mặc đồ ngủ, đọc truyện, hát cho bé nghe, đặt bé vào giường và tắt hết đèn. Ngoài ra việc đọc truyện hay hát cho bé nghe cũng giúp hệ thống cảm xúc và hoạt động của bé từ từ giảm xuống và dễ ngủ hơn.
* Ngày 2: Tiếp tục làm như hôm trước
Nếu bé vẫn đòi ăn ban đêm thì lúc đó là lúc tốt nhất để nhấn mạnh cho bé biết sự khác biệt giữa ngày và đêm. Tạo cho bé sự khác biệt giữa bữa ăn ban ngày và ban đêm. Hãy cho bé ăn thật thoải mái vào ban đêm với ánh sáng nhẹ, cho bé ăn chậm, không hối thúc, có nhạc nhẹ càng tốt. Vào ban ngày, hãy cho bé ăn vào thời điểm bé hoạt động cao nhất, lúc bé còn tỉnh táo. Mẹ có thể cù vào chân bé chẳng hạn. Bé sẽ dần dần biết được sự khác biệt đó.
Tiếp tục chú ý làm cho bé cảm thấy thoải mái vào buổi tối. Tắm nhanh vào buổi tối sẽ giúp bé thư thái và khỏe mạnh. Cũng tạo thêm những tiếng động nhẹ như những âm thanh bị nhiễu sóng ( tiếng ồn trắng) cũng sẽ giúp bé bắt đầu ngủ nhanh hơn.
* Ngày 3: Tiếng khóc lại bắt đầu
Hãy tôi luyện cho chính bản thân bạn nữa. Tối nay bạn đặt bé lên giường khi bé vẫn còn thức. Đó là điều quan trọng nhất mẹ phải làm. Nếu bé ngủ trog lòng mẹ rồi, hãy đánh thức bé dậy sao cho khi bé vừa mở mắt là bạn đặt ngay bé vào chỗ nằm ngủ. Dĩ nhiên, bé sẽ khóc, nhưng bạn đừng vội mềm lòng bế con lên khi nghe thấy tiếng khóc, một lúc sau bé sẽ nín.
Các bậc cha mẹ thường sốt ruột khi nghe thấy tiếng khóc của con. Trẻ trên 5-6 tháng đương nhiên sẽ không đồng ý khi bị thay đổi thói quen nên khóc là chuyện bình thường. Trẻ dưới 5 tháng sẽ khóc khoảng 15-20 phút. Thời gian đầu mẹ có thể ở lại với bé 5 phút. Nhưng mỗi lần vào trông chừng bé phải thật mau, không mở đèn, không ẵm bé ra khỏi giường và cũng đừng đặt vào nôi bé chai sữa.
* Ngày 4: Không để bé làm nũng
Đêm thứ 3 quả là một đêm dài với cả mẹ và bé. Mong sao tối nay mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn. Bé sẽ ý thức một chút rằng khóc không đem lại kết quả gì cả. Mỗi khi bé phản đối, hãy chờ khoảng 10 phút rồi hãy trả lời. Và cho dù bé làm bất cứ hành động gì cũng đừng chịu thua và bế bé lên dỗ dành ngon ngọt. Nếu bạn không kiên định, bé sẽ làm nũng, khóc dai hơn và đêm mai nó cũng dai dẳng như vậy.
* Ngày 5: Bắt đầu ổn định
Hầu hết trẻ em quen với chương trình từ 3-5 ngày. Vì vậy đến ngày thứ 5 có thể mọi thứ sẽ ổn định hơn. Nếu con bạn vẫn làm theo ý bé, hãy kéo dài thời gian, đợi đến 15 phút rồi mới vào xem bé ra sao. Một số trẻ khóc vì muốn biết chắc xem bố mẹ còn ở đó không và một số khóc để so độ lì với bố mẹ.
Nếu biết rõ bạn là nguyên nhân cho trẻ khóc mỗi đêm thì mỗi khi bé khóc, bố mẹ đưng nên vào vội. Nhìn qua khe cửa để theo dõi tình hình của bé và để bé không biết sự xuất hiện của bạn.
Vấn đề thường gặp lúc này là cho ăn đêm. Khi bé được 3-4 tháng thì có thể không cần ăn đêm nữa. Bạn hãy giảm bớt từ từ rồi có thể cắt hẳn bữa đêm. Khi mới cắt bữa ăn đêm, hãy ôm con âu yếm nhưng đừng hát, tránh ánh sáng, đặt bé vào nôi khi bé đã ổn định tâm lý. Càng lớn bé sẽ càng ít ăn khuya hơn, vì vậy bé không có thói quen thức giấc.
* Ngày 6: Ngủ thẳng giấc
Nghe thật là thích phải không? Không cần bé quấy bạn cũng tự động dậy trông chừng. Nên mặc đồ ấm cho bé để khỏi lo bé đạp chăn. Đừng nôn nóng phá hỏng những gì đã đạt được. Khi bé thức dậy khóc ọ ẹ một chút, cứ để con bạn tự xoa dịu nó. Bạn cũng cần phải thư giãn, cứ thiếp đi một lát, rất tốt cho bạn và con.
* Ngày thứ 7: Bạn cũng ngủ ngon giấc.
Khi tất cả mọi thứ đã dần vào quy củ, cả bạn và con sẽ có giấc ngủ ngon cả đêm. Bạn dành được lại giấc ngủ cho mình và tặng con bạn một món quà đặc biệt là thói quen ngủ theo giờ, tự ngủ một mình. Dĩ nhiên, sẽ có những trở ngai trong quá trình tập cho bé. Hãy bình tĩnh và thực hiện lại kế hoạch 7 ngày từ đầu. Lần thứ 2 làn, bé sẽ vượt qua được dễ dàng hơn vì bé đã được luyện tập.
3. Giúp bé ngủ ngon
Một giấc ngủ dài gồm có nhiều chu kỳ, mỗi chu kỳ được coi như một giấc ngủ nhỏ. Giấc ngủ nhỏ gồm có các giai đoạn ngủ nhẹ, ngủ sâu và sau cùng là giai đoạn gần như tỉnh giấc, Ở giai đoạn này, nếu bị tiếng động, ánh sáng, nhiệt độ…tác động bé sẽ tỉnh giấc. Nếu không, bé sẽ bước qua một giấc ngủ nhỏ kế tiếp tức là ngủ trở lại và cứ như thế cho hết trọn vẹn giấc ngủ của mình. Ở người lớn giấc ngủ nhẹ kéo dài 100 phút, còn ở trẻ con dưới 5 tuổi thường chỉ có 50 phút. Như vậy trong một đêm, một đứa bé có thể bị thức giấc và quấy khóc đến 5-7 lần. Người mẹ cần phải thay đổi và sắp xếp cách ngủ cho bé.
Để tạo cho bé một giấc ngủ ngon trọn vẹn, nên bắt đầu tập cho bé khi bé được vài tuần tuổi. Mọi đứa trẻ đều thích cách vỗ về thông thường như cho bú, ngậm núm vú cao su, bế bồng, bế dong, đi chơi, hát ru…trước khi ngủ. Tuy nhiên, từ khi được 6 tháng tuổi, chúng sẽ chỉ chọn 1 trong những cách vỗ về trên, Nếu mẹ không biết cách vỗ về sẽ hình thành thói quen xấu cho bé và khiến bé khó ngủ.
Nếu có điều kiện, nên đặt bé ngủ nôi. Trong những đêm đầu, bé có thể quấy khóc rất nhiều lần trong đêm. Sau một tuần lễ, bé sữ tự biết ngủ trở lại một mình khi bị thức giấc mà không cần mẹ can thiệp. Nên nhớ rằng nếu bé đã quen với cách vỗ về nào đó, ví dụ phải được bế bồng đi tới đi lui thì bạn sẽ phải làm việc ấy nhiều lần trong đêm. Nếu tập cho bé thói quen tự ngủ lại trong đêm, mẹ sẽ chỉ phải chịu cảnh đó trong những đêm đầu tiên khi bé chưa quen.
* Những lưu ý cho mẹ
– Tạo môi trường ngủ tốt: phòng ốc, chỗ ngủ yên tĩnh, thoáng mát.
– Đặt bé vào đúng chỗ ngủ khi bé còn thức.
– Khi bé khóc đòi mẹ thì không nên để quá lâu mà cần đến sớm để trấn an nhưng không nên vội vàng và không nựng quá mức.
– Không la hét, mắng mỏ nếu bé quấy khóc dai dẳng, cũng không được bỏ bé vào nôi như một biện pháp trừng phạt.
Sau khi được tập luyện, nếu bé vẫn quấy khóc nhiều trong đêm thì nghĩa là bé thật sự có vấn đề khó chịu hoặc bị đau trong cơ thể. Đó là lúc cha mẹ phải quan tâm can thiệp giúp bé.