Sữa non có sớm hay muộn phụ thuộc vào cơ thể của mẹ bầu. Sữa non có tác dụng như một dạng thuốc kháng sinh rất tốt cho sức khỏe của bé mà lại không hề có tác dụng phụ. Đây có thể được coi là một loại vắc xin tự nhiên an toàn tuyệt đối với trẻ sơ sinh. Vậy bà bầu bao nhiêu tuần có sữa non?
1. Sữa non là gì?
Khi mang thai cơ thể người phụ nữ thường có rất nhiều thay đổi, có thể kể đến như tình trạng tăng cân, tiểu nhiều hơn, phù chân, tay và đặc biệt là hiện tượng tiết sữa non ở vú để chuẩn bị cho em bé những bữa ăn đầu tiên và đảm bảo “chất lượng”.
Sữa non cũng chính là lượng sữa đầu tiên được cơ thể mẹ sản xuất và hiện tượng xuất hiện sữa non khi mang thai rất bình thường, mẹ bầu không cần quá lo lắng. Thậm chí, chất dịch được tiết từ núm vú này còn được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá rất cao vì có chứa nhiều loại dưỡng chất đặc biệt cần thiết cho trẻ. Sữa non còn có chứa lượng kháng thể rất cao, giúp trẻ tăng cường miễn dịch, bảo vệ đường tiêu hóa của trẻ và phòng ngừa một số loại bệnh cho trẻ sơ sinh.
2. Vì sao xuất hiện sữa non trong giai đoạn thai kỳ?
Trong cơ thể người mẹ, hormone prolactin có chức năng sản xuất sữa sau sinh. Tuy nhiên, loại hormone đặc biệt này có thể hoạt động ngay cả khi đang trong thai kỳ, thường ở giai đoạn 3 tháng cuối.
Thông thường, hormone prolactin trong cơ thể người mẹ sẽ luôn hoạt động cân bằng để có thể giúp mẹ tiết sữa vào thời điểm phù hợp. Trong thai kỳ, lượng estrogen và progesterone cao sẽ giúp kiểm soát quá trình tạo sữa và chính vì thế, sữa mẹ sẽ không được sản xuất với số lượng quá lớn.
Đến những tháng cuối, khi gần tới ngày dự sinh, nồng độ prolactin có thể cao hơn estrogen và progesterone, khiến xuất hiện một vài giọt sữa non ở một hoặc ở cả hai bên núm vú của người mẹ. Điều này hoàn toàn bình thường và chị em không cần quá lo lắng. Càng gần ngày sinh nở thì lượng sữa tiết ra càng nhiều. Tuy nhiên, ở mỗi người, lượng sữa non và màu sắc sữa non sẽ khác nhau.
3. Mang bầu mấy tháng có sữa non?
Sữa non được hình thành ở mẹ bầu khi đang mang thai ở tháng thứ 7 (khoảng 24 – 28 tuần) trở đi.
Dấu hiệu nhận biết có sữa non các mẹ có thể quan sát thấy là đầu ti có những đốm trắng nhỏ li ti như mụn, ngực căng cứng và đau (gần giống hiện tượng căng sữa sau sinh), làm cho mẹ bầu cảm giác ngứa ngáy và khó chịu. Khi mẹ bầu có những dấu hiệu này thì khoảng vài tuần nữa sẽ tiết ra sữa non.
Khi đang mang bầu lượng sữa non chảy ra nhiều hoặc ít sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Các mẹ bầu cần tránh nặn hoặc vệ sinh vú không đúng cách sẽ gây kích thích tử cung dẫn đến 1 số tình trạng bất thường trong quá trình mang thai.
4. Màu của sữa non thế nào là bình thường?
Màu của sữa non sẽ phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Bình thường, sữa non sẽ có màu trắng đục, màu cam, màu vàng, màu vàng nhạt, đôi khi lại trong suốt. Sữa non ở thể đặc và hơi dính.
Các chuyên gia dinh dưỡng coi sữa non là “vàng lỏng” vì giá trị dinh dưỡng cũng như tầm quan trọng của nó đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh.
5. Giá trị dinh dưỡng của sữa non
Đã có nhiều cuộc nghiên cứu chứng minh rằng sữa non có giá trị dinh dưỡng cao gấp 10 lần so với sữa chuyển tiếp (6 – 10 ngày sau sinh) và sữa sữa vĩnh viễn (ngày 11 trở đi sau sinh). Sữa non mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Sữa non như kháng sinh tự nhiên tốt nhất cho trẻ sơ sinh: Các mẹ nên cho con bú sữa mẹ sớm nhất có thể. Trong sữa non không chỉ chứa dưỡng chất hoàn hảo mà còn chứa các tế bào sống là kháng thể kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể tự nhiên để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các tác nhân gây bệnh. Chính vì vậy, sữa non được coi là loại kháng sinh tuyệt đối an toàn cho bé vì không có bất kỳ một tác dụng phụ nào.
- Sữa non giúp cho não bộ của trẻ phát triển tốt với nhóm chất ganglioside. Chất này không chỉ giúp não của trẻ sơ sinh phát triển sớm mà còn giúp bảo vệ hệ thống đường ruột, chống viêm nhiễm đường ruột.
- Sữa non có chứa ít chất béo giúp bé dễ hấp thụ và tiêu hóa. Sữa non còn có tác dụng nhuận tràng, kích thích cơ thể bé tiết ra các phân xu giúp đào thải bilirubin dư thừa. Từ đó ngăn ngừa được các loại bệnh vàng da, mẫn cảm và dị ứng.
6. Những dấu hiệu bất thường của sữa non
Như đã nói ở trên, thông thường khi mang thai ở tháng thứ 7 sẽ có sữa non xuất hiện. Có trường hợp có sữa non sớm khi thai kỳ ở tháng thứ 4, 5, 6. Đây là hiện tượng không có gì là bất thường, tuy nhiên để không chủ quan, các mẹ bầu nên đi khám để được chỉ định xét nghiệm giải đồ loại trừ các nguyên nhân bất thường khác. Một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho mẹ bầu khi có sữa non sớm như:
- Có sữa non tiết ra nhiều vào tháng thứ 5, 6 của thai kỳ khả năng thai bị chết lưu. Cần được phát hiện sớm và lấy thai nhi ra tránh ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ.
- Có sữa non sớm kèm chảy máu ở âm đạo, đau bụng: Đây là những dấu hiệu bất thường liên quan tới nồng độ prolactin trong máu quá cao gây ảnh hưởng đến chức năng của nhau thai và sự phát triển bình thường của thai nhi.
- Có sữa non sớm kèm theo máu: cần đi khám ngay vì đây là dấu hiệu của sức khỏe mẹ bầu có vấn đề.
Trên đây chỉ là những biểu hiện mang tính chất cảnh báo. Các mẹ bầu không phải quá lo lắng vì các trường hợp có sữa non sớm nhưng sức khỏe vẫn hoàn toàn bình thường. Mẹ chỉ cần chú ý đến sức khỏe bằng cách thăm khám thường xuyên để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Việc khám thai trong 3 tháng cuối rất quan trọng bởi đây là thời điểm nhạy cảm nhất của thai kỳ, chỉ với những bất thường nhỏ cũng có thể là những dấu hiệu của sinh non, thai lưu. Vì vậy, thai phụ nên tích cực khám thai thường xuyên để theo dõi sức khỏe của bé, có những biện pháp can thiệp sớm.
- Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để đảm bảo an toàn trong quá trình mang thai mẹ nên đi khám thai theo định kỳ để được bác sĩ tư vấn hoặc có vấn đề cần can thiệp sớm