Điện thoại

0988718083

Email

drcarevietnam@gmail.com

Giờ mở cửa

Thứ Hai - Thứ Bảy: 8AM - 6PM

TẬP ĂN DẶM CHO BÉ

Khi bé 6 tháng tuổi sẽ bước sang độ tuổi ăn dặm. Đây cũng coi là một mốc phát triển quan trọng của bé. Khi con bước vào tuổi ăn dặm, nhiều bố mẹ khá vất vả trong việc tập cho con ăn đúng cách và đầy đủ dưỡng chất. Do đó, việc tập cho trẻ ăn dặm đúng cách và hiệu quả để con thích thú với việc ăn uống là vô cùng quan trọng. Cùng tìm hiểu về ăn dặm cho bé trong bài viết dưới đây.

 

  1. Ăn dặm là gì?

Để cho bé ăn dặm đúng cách trước hết chúng ta phải hiểu ăn dặm là gì? Ăn dặm nghĩa là cho trẻ ăn bổ sung các thức ăn khác ngoài sữa mẹ, bao gồm tinh bột, các loại vitamin từ rau, thịt, cá, trứng, hoa quả, sữa… Các loại thức ăn này chỉ có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển một cách toàn diện chứ không thay thế được sữa mẹ. Sữa mẹ cung cấp nhiều yếu tố kháng khuẩn giúp trẻ tăng đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Chính vì vậy mẹ vẫn cần cho trẻ bú đầy đủ, tiến hành giảm lượng sữa và tăng lượng thức ăn dần theo độ tuổi của trẻ.

       2. Thời gian bắt đầu cho bé ăn dặm

Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, sau 6 tháng tuổi là thời gian tốt nhất cho trẻ bắt đầu ăn dặm. Vì từ 6 tháng tuổi trở đi, bé tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao đồng nghĩa với nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng lên. Sữa mẹ khi ấy không đủ đáp ứng dinh dưỡng cho trẻ, nhất là sau 6 tháng, sữa mẹ bắt đầu loãng và ít dần đi. Chính vì thế, trẻ cần được bổ sung chất dinh dưỡng bằng cách ăn dặm để có thể phát triển tốt và khỏe mạnh.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, từ 6 – 12 tháng tuổi, sữa mẹ cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Từ 12 – 24 tháng tuổi, sữa mẹ cung cấp ít nhất một phần ba nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

      3. Tác hại của việc cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn

Nhiều cha mẹ cho bé ăn dặm quá sớm, thậm chí từ khi bé mới được 3 – 4 tháng, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như:

  • Nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa thích nghi được với một số loại thức ăn.
  • Thức ăn không đảm bảo, khó tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy, táo bón.
  • Bé ăn dặm sớm khiến trẻ bú mẹ ít đi, các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ bị thiếu hụt ở trẻ, đặc biệt là các chất giúp tăng đề kháng.
  • Trẻ bú ít gây tăng nguy cơ mang thai sớm ở người mẹ.

Nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn (sau 9 tháng) sẽ khiến trẻ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tăng trường, dẫn đến nguy cơ bị suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu…

Xem thêm:  Thai giáo và những điều cần biết

  1. Nguyên tắc cho bé ăn dặm đúng cách
  • Cho bé ăn dặm từ ít đến nhiều

Thời gian đầu cho bé ăn dặm, cha mẹ nên tập cho bé ăn từng chút một. 1 – 3 bữa đầu tiên có thể cho trẻ ăn từ 5 – 10ml thức ăn. Tăng lượng ăn dần dần để dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ có thời gian làm quen và thích nghi với một loại thức ăn mới không phải sữa mẹ.

Cho trẻ ăn dặm 1 bữa/ngày. Khi trẻ đã quen dần có thể tăng lên 2 bữa/ngày và thêm bữa phụ như hoa quả, sữa chua, váng sữa…

  • Cho bé ăn dặm từ lỏng đến đặc

Nên cho trẻ ăn bột loãng từ 2 – 3 ngày sau đó tăng dần độ đặc lên. Tăng độ thô dần dần, từ bột đến cháo rây, cháo nguyên hạt, cơm nát… để trẻ có thể nhanh chóng ăn được các loại thức ăn như người lớn.

Cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, dễ nhai và dễ nuốt vì lúc này trẻ chưa mọc răng hoặc mọc rất ít răng.

  • Chế biến đồ ăn dặm cho bé đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh

Thời gian đầu trẻ tập ăn chỉ nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như cháo và các loại rau, củ, quả. Tuy nhiên, từ 9 – 11 tháng cần cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn gồm: gạo; thịt, trứng; cá, tôm, cua; rau, củ và dầu hoặc mỡ… Ngoài ra, nên cho trẻ ăn nhiều hoa quả để bổ sung các loại vitamin cần thiết cho cơ thể, giúp trẻ mau lớn, phát triển khỏe mạnh hơn.

Khi chế biến đồ ăn dặm cho trẻ, cần lựa chọn các loại thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh. Tốt nhất nên sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng vì hệ tiêu hóa của trẻ rất non nớt, rất dễ bị vi khuẩn tấn công.

  1. Hướng dẫn cho bé ăn dặm
  • Thực đơn ăn dặm cho trẻ từ 6 – 12 tháng

Trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi: Ở giai đoạn này, trẻ đang tập ăn, vì thế nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm và dễ tiêu. Hệ tiêu hóa của trẻ cũng đang làm quen dần với thức ăn, nên cho trẻ ăn từng chút một, mỗi tuần tăng lượng ăn của trẻ lên một chút. Đầu tiên nên ăn 1 bữa/ngày, rồi tăng lên 2 bữa/ngày, đồng thời tăng độ đặc của cháo.

Trẻ từ 9 – 11 tháng: Giai đoạn này có thể cho trẻ ăn 3 – 4 bữa bột đặc một ngày. Ngoài rau củ quả, nên cho trẻ ăn thêm trứng, thịt, cá, hải sản và đặc biệt là dầu hoặc mỡ. Vẫn duy trì cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức hàng ngày.

  • Thực đơn ăn dặm cho trẻ từ 12 – 23 tháng

Khi trẻ được 1 tuổi, có thể ăn đa dạng các loại thức ăn và ăn 4 bữa/ngày. Trong một bữa cần cho trẻ ăn đầy đủ tinh bột; trứng hoặc thịt, cá; rau và dầu mỡ.

  • Thực đơn ăn dặm cho trẻ từ 24 – 36 tháng

Giai đoạn này trẻ đã có thể ăn cơm với các loại thức ăn như người lớn. Tuy nhiên cần tránh những thức ăn quá cứng và dai, thức ăn có khả năng gây nghẹn, hóc.

Xem thêm:  Đau bụng dưới khi mang thai: Những điều cần biết

Từ 2 tuổi trở đi, nhiều trẻ đã không còn bú mẹ. Vì thế bữa ăn cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đảm bảo cho sự phát triển của trẻ. Ngoài 3 – 4 bữa ăn chính mỗi ngày có thể cho trẻ ăn thêm 1 – 2 bữa phụ.

Cho trẻ ngồi ăn cơm chung với cả gia đình để trẻ học cách ăn uống, gắp đồ ăn và nhai kỹ thức ăn.

Lưu ý: dù ở độ tuổi nào bạn cũng không nên cho trẻ ăn nhiều các loại đồ ăn vặt như bánh, kẹo, bim bim, khoai tây chiên… vì sẽ làm cho trẻ đầy bụng, bỏ bữa.

  1. Các phương pháp ăn dặm

       * Tập cho bé ăn dặm kiểu truyền thống

Phương pháp bé ăn dặm này, mẹ dùng muỗng đưa thức ăn đã được xay nhuyễn, nghiền nát vào miệng bé. Mẹ hãy tập ăn dặm cho bé bằng cách từ từ chuyển thức ăn sang loại đặc và cứng hơn cho tới khi bé thấy thích thức ăn của người lớn. Ăn dặm cho bé kiểu truyền thống là phương pháp khá phổ biến bởi ưu điểm đơn giản và tiện lợi. Bố mẹ có thể đút cho con ăn hết lượng thực phẩm mong muốn và biết được khoảng thời gian bé tiến bộ.

       * Phương pháp ăn dặm BLW

Ngược lại với phương pháp ăn dặm truyền thống, phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (phương pháp ăn dặm BLW) là để bé tự ăn, với lượng thức ăn vừa phải được chuẩn bị sẵn. Với phương pháp này, bạn cần chế biến thức ăn sao cho bé dễ dàng cầm, bốc ăn được. Bằng cách này, quá trình cai sữa sau này sẽ trở thành một cuộc vui khám phá đúng nghĩa kết hợp giữa thực phẩm và sự vui nhộn cho bé. Việc tập ăn dặm cho bé theo cách này còn giúp con có xu hướng dễ dàng tham gia vào bữa ăn gia đình sớm và dùng được đa dạng thực phẩm trên bàn ăn gia đình.

Phương pháp ăn dặm cho bé BLW sẽ phù hợp nếu:

  • Bạn không sợ bừa bộn, vì chắc chắn là mọi thứ sẽ rất bừa bộn
  • Bé sẽ ăn bốc
  • Bạn không thích cho bé ăn bột hay cháo
  • Bạn thích ý tưởng cho bé tự khám phá thức ăn của mình và bạn đã sẵn sàng cho bé chơi đùa trước/trong/sau khi bé ăn
  • Bạn cho phép con bạn tự ăn những món bé chọn có nghĩa là thời gian bé ăn sẽ lâu hơn so với khi bạn đút cho bé ăn và thậm chí có đôi khi bé ăn không nhiều.

       * Phương pháp ăn dặm với túi nhai và bình bóp

Tập ăn dặm cho bé bằng túi nhai hoặc bình bóp là phương pháp cũng rất được nhiều cha mẹ áp dụng. Với túi nhai ăn dặm, bố mẹ cho thức ăn dạng thô như trái cây, rau củ, thịt, cá làm mềm được cho vào túi chứa có nhiều lỗ thoát thức ăn rồi đưa bé tự cầm nhai. Còn bình bóp, bố mẹ cho các loại thức ăn dạng lỏng sệt như cháo hoặc bột.

Xem thêm:  Mất thính lực ở trẻ nhỏ sau tuổi sơ sinh

Ưu điểm của cách cho trẻ ăn dặm này là thực phẩm trong túi nhai không bị rơi vãi. Túi mềm dẻo sẽ không làm đau lưỡi và nướu của bé, mẹ sẽ không còn phải lo lắng vấn đề trẻ bị hóc nghẹn khi tập cho trẻ ăn dặm. Hơn nữa, túi cũng dễ dàng rửa sạch bằng nước rửa chén hay luộc trong nước sôi.

Tùy thuộc vào tình hình của bé cũng như tâm lý của bạn, bạn sẽ chọn ra được phương pháp tập ăn dặm cho bé phù hợp nhất.

        7. Những sai lầm thường gặp khi cho bé ăn dặm

  • Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dưới 1 tuổi, thận của trẻ còn yếu, không thể tải quá 1g muối mỗi ngày. Không nêm thêm các loại gia vị mặn vào thức ăn của trẻ. Bản thân thực phẩm đã cung cấp đủ nhu cầu của trẻ.
  • Từ 1 tuổi trở lên, có thể nêm một chút muối hoặc mắm, chú ý nên nêm nhạt. Tốt nhất là tập cho trẻ ăn nhạt từ nhỏ để đảm bảo sức khỏe sau này.
  • Cho trẻ ăn cháo ngọt: Cha mẹ không nên sử dụng quá nhiều đường cho trẻ. Với người lớn, lượng đường tiêu thụ tối đa trong một ngày là 20g. Vì thế, không nên cho trẻ ăn quá nhiều đường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Chỉ cho trẻ ăn cháo với nước thịt, nước hầm xương: Nên thay đổi các loại thực phẩm giàu đạm thường xuyên, băm nhỏ thịt cá vào trong cháo để bữa ăn của trẻ đa dạng và lạ miệng hơn.
  • Không dùng dầu mỡ khi nấu đồ ăn dặm cho trẻ: Trẻ cần được bổ sung chất béo từ dầu mỡ với một lượng vừa đủ để cơ thể hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng. Có thể sử dụng các loại dầu thực vật dành riêng cho trẻ như: dầu óc chó, dầu hạt cải…
  • Cho trẻ ăn cơm quá sớm khi chưa có răng: Việc nuốt chửng cơm sẽ khiến dạ dày trẻ phải hoạt động quá sức.

Hy vọng với những chia sẻ trên các bố mẹ sẽ có thêm nhiều kiến thức để chăm sóc cho con yêu của mình, Nuôi con không phải là cuộc chiến. Chỉ cần có đủ kiến thức và có niềm tin vào bản thân mình, các bố mẹ thấy thấy việc chăm con là một hành trình đầy thú vị.

BÀI VIẾT XEM NHIỀU